Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Ứng dụng giao dịch đảm bảo kết hợp với hợp đồng điện tử: tạo niềm tin giao dịch thương mại điện tử B2B tại Việt Nam

03/06/2024

Trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, hợp đồng điện tử đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong các giao dịch thương mại. Với sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn, hợp đồng điện tử đã và đang thay thế dần các hợp đồng truyền thống bằng giấy giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí. 

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực trong việc thúc đẩy và hoàn thiện khung pháp lý cho hợp đồng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng công cụ này. Bên cạnh đó, các hệ thống do các đơn vị cung ứng dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử và Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam do Bộ Công Thương triển khai đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng ký kết và quản lý hợp đồng một cách hiệu quả và an toàn.

Hợp đồng điện tử là điều kiện cho TMĐT B2B phát triển vượt bậc

Hợp đồng điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử B2B. Nhờ vào hợp đồng điện tử, các doanh nghiệp có thể giao kết thương mại nhanh hơn trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian. Đồng thời, việc sử dụng hợp đồng điện tử cũng giúp tiết giảm chi phí đi lại và chi phí lưu trữ, nhờ khả năng lưu trữ và quản lý hợp đồng trực tuyến một cách dễ dàng và an toàn. Hợp đồng điện tử còn cho phép các doanh nghiệp dễ dàng triển khai giao dịch với một tệp khách hàng lớn, tăng cường tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch, tạo sự tin tưởng giữa các bên tham gia. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thương mại điện tử B2B ngày càng phát triển, đòi hỏi các giao dịch phải được thực hiện một cách nhanh chóng và an toàn.

Giải pháp thanh toán đảm bảo tháo gỡ khó khăn niềm tin

Mặc dù hợp đồng điện tử mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc áp dụng nó trong giao dịch thương mại điện tử B2B vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề niềm tin giữa các bên tham gia giao dịch. Các doanh nghiệp lo ngại về rủi ro gian lận, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, và thanh toán không an toàn. 

Để giải quyết vấn đề niềm tin trong các giao dịch thương mại điện tử B2B, việc kết hợp giữa hợp đồng điện tử và dịch vụ thanh toán đảm bảo (escrow) là một giải pháp hiệu quả. Dịch vụ escrow hoạt động như một bên thứ ba giữ và quản lý tiền hoặc tài sản cho đến khi các điều kiện của hợp đồng được đáp ứng. Quy trình này bao gồm các bước từ thỏa thuận, đăng ký escrow, ký hợp đồng, chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ, giao hàng, xác nhận trạng thái giao hàng và cuối cùng là hoàn thành giao dịch khi tiền được chuyển cho bên bán.

Lợi ích của dịch vụ escrow bao gồm bảo vệ cho bên mua, giảm thiểu rủi ro gian lận, tăng cường niềm tin giữa các bên tham gia giao dịch và giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.

Trung tâm Tin học và Công nghệ số là đơn vị đang triển khai đồng thời Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam và giải pháp thanh toán đảm bảo Escrow. Trong thời gian sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để kết hợp hai giải pháp này nhằm ngày càng hoàn thiện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT B2B an toàn, nhanh chóng.

An Sơn – Phòng Phát triển dự án

Trung tâm Tin học và Công nghệ số

Tin khác

14/09/2020 - 

Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm Sữa hạnh nhân Milk Lab 1L nhập khẩu từ Úc

11/07/2022 - 

Hệ thống Hóa đơn điện tử CT của Bộ Công Thương đã được Tổng Cục Thuế cho phép cung cấp dịch vụ

10/08/2023 - 

Thái Bình: Hướng đến mục tiêu sản phẩm tiêu biểu phân phối qua kênh thương mại điện tử trong nước và xuất khẩu

04/10/2024 - 

Rủi ro pháp lý đối với hợp đồng điện tử không an toàn dẫn đến không được bên thứ ba thừa nhận. Kỳ 1: Chữ ký số giả mạo

10/06/2024 - 

Kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua du lịch trực tuyến: kết hợp văn hóa và kinh tế

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)