Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Thái Bình: Hướng đến mục tiêu sản phẩm tiêu biểu phân phối qua kênh thương mại điện tử trong nước và xuất khẩu

10/08/2023

Ngày 10 tháng 8 năm 2023 Trung tâm Hội nghị Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử năm 2023.

 Hội nghị được tổ chức với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình với các Sàn thương mại điện tử lớn đồng thời trực tiếp tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện ứng dụng hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tham dự hội nghị có đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Huyện Đông Hưng và hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn như Công ty CP Đông dược Sao Thiên Y, Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Hợp, HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân, HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang, HTX DVNN xã Minh Tân…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Tô Thị Hương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình chia sẻ, trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, tỉnh Thái Bình đã ban hành các chương trình hành động và kế hoạch để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tập huấn nâng cao cho doanh nghiệp về cách thức quảng bá sản phẩm, khai thác sàn thương mại điện tử, đào tạo tư vấn các biện pháp hữu hiệu để giao dịch trên sàn… 

Trong thời gian qua, Sở Công Thương Thái Bình đã xây dựng sàn thương mại điện tử của tỉnh (http://ecthaibinh.com), hỗ trợ 03 đơn vị xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến, khoảng 300 đơn vị với khoảng 2000 sản phẩm gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu. 

Đặc biệt, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 2445/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2022 về việc Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025. “Theo đó, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp triển khai nội dung thuộc Bộ tiêu chí này để hướng đến việc các xã phải có sản phẩm tiêu biểu bán qua kênh thương mại điện tử với quy định tỉ lệ sản phẩm chủ lực bán qua kênh thương mại điện tử là ít nhất 10%.” bà Hương Lan cho biết.

Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số,

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Trao đổi tại Hội nghị, ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với vai trò vừa là cơ quan quản lý lĩnh vực thương mại điện tử, xây dựng cơ chế pháp lý, quản lý hoạt động thương mại điện tử đồng thời cũng là đơn vị tổ chức hỗ trợ và thúc phát triển thị trường thương mại điện tử lành mạnh, kết nối doanh nghiệp sản xuất địa phương với các nền tảng thương mại điện tử. Tại Quyết định 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 5 năm 2020 nêu rõ mục tiêu tổng quát: (1) Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng (2) Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT (3) Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững (4) Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chính vì vậy Hội nghị tập huấn kết nối doanh nghiệp thương mại điện tử lần này là cơ hội để hiện thực hóa chủ trương chính sách cũng như triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương thúc đẩy phân phối sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP… qua các sàn thương mại điện tử, hướng tới xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới theo mục tiêu nói trên.

Cục Thương mại điện tử với vai trò tổ chức, kết nối và định hướng phát triển thị trường đã phối hợp với Sàn thương mại điện tử Postmart.vn (đại diện các Sàn TMĐT trong nước) và Sàn thương mại điện tử Alibaba (đại diện sàn TMĐT quốc tế) trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử cho doanh nghiệp tại địa phương tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua, các doanh nghiệp địa phương, sản phẩm đặc sản tiêu biểu vùng miền cũng sẽ được quảng bá rộng rãi thông qua Cổng thông tin điện tử chính thức Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: tuhaoviet.vn

Theo ông Nguyễn Xuân Đán – Phó Chủ tịch UBND Huyện Đông Hưng, việc triển khai tiêu chí 13.5 trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Thái Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Là một trong những địa phương sở hữu tiềm năng lớn về nông nghiệp, tỉnh Thái Bình đang tập trung phát triển các khu vực nguyên liệu nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng đang tích cực thực hiện quá trình cải cách ngành nông nghiệp và công nghiệp bằng cách chuyển dịch sự tập trung vào công nghiệp chế biến và sản xuất, điều này đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy liên kết giữa sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản và sản phẩm công nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, có thể nói Hội nghị lần này sẽ đóng góp vai trò tích cực vào sự phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số của địa phương.

Tại Hội nghị, bà Hoàng Oanh – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam đã tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về quy trình quảng bá, giới thiệu và phân phối sản phẩm qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng Alibaba.com một cách hiệu quả cũng như những điều kiện cần thiết để có thể triển khai xuất khẩu sản phẩm qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chia sẻ về thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Hoàng Oanh cho biết Việt Nam có nhiều sản phẩm đặc trưng xuất phát từ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và mặt hàng thủ công mỹ nghệ sở hữu nhiều cơ hội và thế mạnh để cạnh tranh tại thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Thương mại điện tử xuyên biên giới phục vụ xuất khẩu đang dần trở thành một trong những kênh xuất khẩu mới và quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp địa phương. Ngay tại Thái Bình, doanh nghiệp sứ Hảo Cảnh đã có nhiều năm kinh doanh trên Sàn thương mại điện tử Alibaba và đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất sản xuất và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp địa phương còn có những hạn chế nhất định do vậy việc xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử của chính doanh nghiệp cũng gặp phải không ít khó khăn. Đây là những điểm các doanh nghiệp địa phương cần tập trung cải thiện trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trần Hùng – Phòng Kế hoạch kinh doanh, sàn thương mại điện tử Postmart, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam giới thiệu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối sản phẩm trên sàn và quản lý đơn hàng

Đi vào hoạt động từ năm 2019, đến nay sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn, thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã có 5,3 triệu tài khoản người mua, bán; hơn 666.000 nhà cung cấp tham gia bán hàng trên sàn; hơn 151.000 sản phẩm được kinh doanh trên sàn, hơn 1,2 triệu giao dịch phát sinh. Đối với địa bàn tỉnh Thái Bình tính từ 2021 đến hết Quý II/2023 thống kê được đã có hơn 658 sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn và sấp xỉ 14.151 giao dịch thành công. 

Trong những năm vừa qua, được sự định hướng và đồng hành của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Bưu điện Việt Nam đã có cơ hội tham gia các Chương trình kết nối thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tiếp cận được số lượng lớn nhà cung cấp có năng lực và chất lượng sản phẩm tốt, góp phần đa dạng hoá các mặt hàng nông sản đặc sản địa phương trên sàn thương mại điện tử. Đến nay, Thái Bình đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện xây dựng gian hàng, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên các nền tảng trực tuyến và các sàn thương mại điện tử lớn thành thạo, bài bản, mang đến nhiều kết quả tích cực. Sàn Thương mại điện tử Postmart.vn có đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Thái Bình thực hiện các thủ tục, quy trình đưa sản phẩm đặc sản địa phương lên Sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Trong thời gian tới, Sàn thương mại điện tử Postmart.vn – Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai phương án thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng phương án phù hợp về phát triển các nhà cung cấp, kết nối các nhà sản xuất ở địa phương, tổ chức đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và các sản phẩm đặc trưng khác tại tỉnh thông qua sàn TMĐT Postmart.vn.

Bà Nguyễn Xuân Hải Yến – Phó Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Proline Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh doanh thương mại điện tử và những điểm doanh nghiệp cần lưu ý

Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực nên việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản, công nghiệp tiêu biểu đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh. 

Hiện nay, tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3,4 sao; 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của địa phương, có thương hiệu nổi bật trên thị trường như mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, trứng vịt biển Đông Xuyên, cây phát lộc Minh Tân … hay các sản phẩm tập trung ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và thực phẩm chế biến được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.

Với mục tiêu tận dụng các lợi thế sẵn có, tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử quốc tế đồng thời mở rộng kênh phân phối trong nước. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng đề cao công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho người dân, doanh nghiệp và phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử, hướng đến các tiêu chí được UBND tỉnh đề xuất trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.

Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Thái Bình trong việc tổ chức phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, cũng như các quy định của pháp luật về thương mại điện tử đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm, hình ảnh của doanh nghiệp Thái Bình, triển khai hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu với các sàn thương mại điện tử  trong nước và quốc tế, xây dựng thị trường thương mại điện tử có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tin khác

16/10/2023 - 

Thương mại điện tử giúp thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển

24/07/2018 - 

Startup Việt giành giải cao nhất tại IDEAS Show APEC 2018

03/12/2020 - 

“60 giờ mua sắm trực tuyến Việt Nam” năm 2020 chính thức bắt đầu

14/06/2022 - 

Sắp diễn ra Hội nghị Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam – Triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP

02/06/2022 - 

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và các nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2022: Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong tiêu thụ sản phẩm

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)