Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Mối quan hệ của thương mại điện tử với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (phần 2)

23/04/2024

Mục tiêu 8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.

Sự đóng góp của thương mại điện tử cho Mục tiêu 8 và một phần Mục tiêu 5 có liên quan đến thị trường lao động. Thương mại điện tử có thể ảnh hưởng đến mục tiêu này bằng cách mang lại khả năng tiếp cận bình đẳng cho tất cả các cá nhân tham gia vào thị trường lao động. Thương mại điện tử là một thị trường đang phát triển nhanh chóng với nhu cầu nguồn nhân lực mới rất cao, từ lập trình viên đến nhân viên chuyển phát. Trên các trang tìm kiếm việc làm phổ biến, các vị trí tuyển dụng được cập nhật hàng ngày để tìm kiếm các ứng viên cho các vị trí liên quan đến kinh doanh hàng hóa và dịch vụ trên Internet. Nhu cầu về nhân lực vượt quá nguồn cung do lĩnh vực mới này vẫn chưa được nguồn nhân lực trẻ làm chủ hoàn toàn. Các dự án thương mại điện tử đã tạo ra nhiều công việc độc đáo: chuyên viên thiết kế web, phân tích web, tiếp thị trực tuyến v.v… Các lĩnh vực phổ biến là tiếp thị internet, quảng cáo hiệu suất (performance advertising), tiếp thị truyền thông xã hội (social media marketing)…

Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.

Bất bình đẳng giữa các quốc gia được quyết định bởi nhiều yếu tố và thường có nguồn gốc từ lịch sử. Các nước đang phát triển đang cố gắng khắc phục tình trạng tụt hậu so với các nước phát triển thông qua phát triển về chiều sâu, dựa trên thể chế, công nghệ và chất lượng cuộc sống của người dân. Bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia là điều đáng quan ngại đối với các nhà lãnh đạo. Sự bất bình đẳng dẫn đến căng thẳng trong xã hội và các bộ phận dân cư dễ bị tổn thương ngày càng trở nên tổn thương hơn nữa. 

Thương mại điện tử mang lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho mọi tầng lớp người dân, cả trong nước và quốc tế, nhưng để một quốc gia đạt được hiệu quả của việc ứng dụng thương mại điện tử ở mức độ này đòi hỏi quốc gia đó phải có quyền tiếp cận công nghệ và cơ sở hạ tầng một cách bình đẳng. Ở Việt Nam, thương mại điện tử cũng phát triển không đồng đều giữa các vùng miền. Thị trường thương mại điện tử không có giới hạn về địa lý cũng như thời gian, luôn sẵn sàng 24/7. Thương mại điện tử có thể thúc đẩy xuất khẩu của các nước đang phát triển và đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho tất cả các nước kém phát triển nhất trong việc tiếp cận thị trường. 

Mục tiêu 12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Mục tiêu 13. Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.

Đóng góp đáng kể nhất của thương mại điện tử là đạt được các mục tiêu 12 và 13. Tiêu dùng và sản xuất bền vững nhằm mục đích có thể làm được nhiều hơn, tốt hơn với nguồn tài nguyên ít tốn kém hơn và khắc phục mối quan hệ trực tiếp giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và thúc đẩy lối sống bền vững hơn. 

Phân phối, đóng gói và hoàn hàng trực tuyến được coi là nguồn phát thải carbon chính, để cải thiện việc này cần các biện pháp từ người bán và cả người mua. Mỗi sản phẩm được giao từ cửa hàng trực tuyến đều có bao bì riêng, thường là túi nhựa hoặc thậm chí rất nhiều túi. Mỗi ngày, hàng nghìn xe tải, ô tô giao những đơn hàng này cho khách hàng và lấy lại những đơn hàng chưa có người nhận nhưng đã chưa đóng gói, việc này tạo ra hàng tấn khí thải carbon. Các cửa hàng trực tuyến cần tiếp cận một cách có trách nhiệm đối với loại bao bì được sử dụng và số lượng của nó, ưu tiên loại bao bì có thể tái sử dụng. 

Ví dụ, Zara đã rời bỏ bao bì giấy và nhựa cách đây vài năm. Các mặt hàng được vận chuyển trong thùng carton tái chế và không được đóng gói riêng lẻ, giúp giảm đáng kể chất thải. Những hộp này sau đó có thể được tái sử dụng để lưu trữ hoặc dễ dàng tái chế. Ngoài ra, sản phẩm phải được đóng gói trong hộp có kích thước phù hợp. Các công nghệ mới như in 3D có thể giúp tối ưu hóa khối lượng và hình dạng của bao bì, từ đó góp phần giúp việc sản xuất thân thiện với môi trường hơn, giảm lượng khí thải CO2. Các công nghệ hiện có có thể giúp điều chỉnh lại toàn bộ mô hình đóng gói của thương mại điện tử, vốn có rất ít thay đổi trong vài thập kỷ qua.

Amazon, nơi xử lý hơn 10 tỷ đơn mỗi năm, cho biết họ đã thải ra 44,4 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2018, bằng khoảng 85% lượng khí thải của Thụy Sĩ hoặc Đan Mạch. Gần một phần ba chất thải rắn của Mỹ đến từ bao bì thương mại điện tử. Để đo lượng khí thải carbon của mình, Amazon đã xem xét lượng khí thải từ tất cả các hoạt động kinh doanh, bao gồm cả các máy bay mà hãng vận hành và năng lượng mà hãng sử dụng để sản xuất Echos, Kindles và các thiết bị khác. Amazon thậm chí còn tính cả những chuyến đi của khách hàng tới chuỗi cửa hàng tạp hóa Whole Foods. 

Có vẻ như ít ai tính đến lượng khí thải carbon do người mua hàng trực tuyến để lại khi tìm kiếm hàng hóa. Một yêu cầu cung cấp thông tin trên Google để lại lượng khí thải carbon tương tự như một ấm nước đun sôi hoặc một chuyến đi đoạn đường 16 mét bằng ô tô. Việc gửi thư của các công ty trên internet cũng không để lại dấu vết gì cho môi trường, tuy nhiên, hàng tỷ e-mail mỗi ngày tiêu thụ lượng năng lượng tương đương với việc sưởi ấm 2 triệu ngôi nhà ở Mỹ và lượng khí thải nhà kính tương đương với lượng khí thải của 3 triệu ô tô. Khi gửi một lá thư, 4 gam cacbon được hình thành và nếu một bức ảnh được đính kèm vào tin nhắn thì lượng khí thải carbon sẽ tăng lên 50 gam. Lượng khí thải khi gửi 65 email tương đương với 1 km lái xe ô tô.

Các công ty lớn đã bắt đầu giải quyết vấn đề khí thải. Ví dụ, Amazon có kế hoạch đạt được lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2040 và muốn các công ty khác tham gia. Google dự định chỉ sử dụng các nguồn năng lượng không có carbon vào năm 2030. Google cho biết họ đã loại bỏ lượng khí thải carbon của công ty từ năm 1998, trở thành công ty đầu tiên đạt được lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2007 và chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo kể từ năm 2017. Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã chuyển sang sử dụng bao bì sản phẩm bằng vật liệu thân thiện với môi trường hơn và phương thức vận chuyển ít độc hại hơn, điều này thường dẫn đến giá sản phẩm cao hơn. Tuy nhiên, rất nhiều phụ thuộc vào các công ty. Ví dụ, Green Courier và DPD sử dụng xe đạp và xe điện để giao hàng. Ô tô điện giảm lượng khí thải nhà kính từ 17% (trong trường hợp 20km/ngày) đến 54% (trong trường hợp 120 km/ngày), hoặc thậm chí nhiều hơn nếu quãng đường đi được hàng ngày tăng. 

Nếu như có nhiều người bán giáo dục khách hàng về tác động môi trường của việc mua hàng và cách thức giảm thiệt hại, thì sẽ có nhiều khả năng những lựa chọn thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên. Một trong những lựa chọn tiêu dùng hợp lý hơn là từ chối chuyển phát nhanh. Giả sử cửa hàng trực tuyến phải giao gói hàng cho người mua càng nhanh càng tốt. Trong trường hợp đó, cửa hàng sẽ không đợi xe chở được chất đầy hàng, trong khi với phương thức giao hàng tiêu chuẩn, dịch vụ chuyển phát nhanh có thể giao nhiều gói hàng trong một chuyến, điều này giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon ở chặng cuối. Các điểm nhận hàng đang ngày càng trở nên phổ biến. Việc giao hàng đến điểm nhận hàng có thể tăng thời gian toàn trình nhưng có tác động tích cực đến môi trường. Trong trường hợp này, cửa hàng trực tuyến có thể giao nhiều đơn hàng cùng một lúc. Ngoài ra, đối với dịch vụ giao hàng chuyển phát nhanh, có những trường hợp nhân viên chuyển phát nhanh buộc phải giao đến lần thứ hai nếu người mua không có ở nhà, điều này khiến lượng khí thải carbon tăng gấp đôi. Khi áp dụng triển khai các điểm nhận hàng, người mua sẽ tới và nhận đơn hàng vào thời điểm thuận tiện cho mình thay vì hẹn nhân viên giao hàng giao lại nhiều lần.

Mục tiêu 17. Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững. 

Thương mại điện tử có thể giúp tăng cường các phương tiện thực hiện và khôi phục quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững, phù hợp với Mục tiêu này. Nền tảng thương mại điện tử có thể kết nối các doanh nghiệp và nhà sản xuất nhỏ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, với quy mô khách hàng lớn hơn. Sự hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển có thể giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi từ thương mại điện tử.

Nhìn chung, phân tích trên cho thấy sự đóng góp của thương mại điện tử vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tương đối đáng kể. Thương mại điện tử có thể giúp đạt được 10 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững theo nhiều cách khác nhau và có tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của từng quốc gia và toàn thế giới. Tác động này đặc biệt rõ ràng trên thị trường lao động, khi số lượng các công ty kinh doanh trên Internet đang phát triển nhanh chóng và kéo theo đó là số lượng việc làm cũng tăng lên. Từ xưa, hầu hết các vị trí tuyển dụng đều yêu cầu một số bằng cấp nhất định, nhưng từ năm 2020, dường như đã có ​​sự gia tăng trong các lĩnh vực như chuyển phát nhanh, lĩnh vực này không yêu cầu trình độ học vấn. Đồng thời, thương mại điện tử có thể có những tác động tiêu cực đến môi trường. Việc tìm kiếm, đóng gói, vận chuyển và trả lại các mặt hàng được mua qua các cửa hàng trực tuyến sẽ để lại lượng khí thải carbon. Các công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có thể tác động đến lượng khí thải carbon bằng cách sử dụng các phương pháp đóng gói và vận chuyển hợp lý, mặc dù có thể đi kèm với chi phí bổ sung. 

Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát… Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến… 

Theo Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, quy trình giao vận, thương mại điện tử sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí. Cùng với người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số có thể khuyến khích các sản phẩm xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường bao gồm từ vật chứa cho đến các sản phẩm được mua bán. Bằng hệ thống công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cũng có thể hình thành các quy trình kiểm soát, đánh giá việc thực hiện các quy trình xanh, nâng cao nhận thực của toàn hệ thống về bảo vệ môi trường.

Mai Anh – Phòng Phát triển thị trường
Trung tâm Tin học và Công nghệ số

Tin khác

07/07/2023 - 

Gỡ khó cho doanh nghiệp trong vấn đề xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới

24/07/2018 - 

Startup Việt giành giải cao nhất tại IDEAS Show APEC 2018

20/06/2024 - 

Thương mại điện tử và hành vi của người tiêu dùng (phần 2): Xu hướng thị trường được định hình bởi AI trong thương mại điện tử

21/09/2024 - 

Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thương mại điện tử

04/10/2024 - 

Rủi ro pháp lý đối với hợp đồng điện tử không an toàn dẫn đến không được bên thứ ba thừa nhận. Kỳ 1: Chữ ký số giả mạo

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)