Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Hợp đồng điện tử: Nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh

25/05/2022

Đi cùng tốc độ phát triển của thương mại điện tử, các giao dịch thương mại truyền thống ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh và tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Đây là chia sẻ của ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các Bộ, Ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2022 tại Hà Nội trong hai ngày 25 và 26/5/2022.

Tọa đàm còn có sự tham dự của ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Phụ trách điều hành, Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về Dân cư, Bộ Công An; ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia; ông Nguyễn Bá Diệp, Uỷ viên BTV VINASA, Phó Chủ tịch MoMo, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và phát triển Công nghệ FSI, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Chính phủ số VINASA, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số Doanh nghiệp VINASA; ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT I.

Diễn đàn thu hút trên 2500 lượt đại biểu tham dự trực tiếp và 10.000 lượt đại biểu tham dự qua các nền tảng trực tuyến, là lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc các ngành kinh tế có nhu cầu về chuyển đổi số; lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu trong nước, các đoàn doanh nghiệp quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia và các cơ quan báo chí truyền thông.

Trong những năm vừa qua, thương mại điện tử Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng 16-17%/năm. Các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và các website bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp, người kinh doanh. Tuy phát triển với tốc độ đột phá, các giao dịch thương mại điện tử luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán.

Nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, giao kết hợp đồng cho các chủ thể trên môi trường thương mại điện tử ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, hợp đồng là thành phần cơ bản trong các giao dịch thương mại. Hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong nước, quốc tế nói chung. Với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trong các Nghị định 52/2013/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 85/2021/NĐ-CP về Thương mại điện tử, chính thức tạo hành lang pháp lý cần thiết để cấp phép cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

Ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ, việc ứng dụng Hợp đồng điện tử sẽ giúp các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích. Thứ nhất là vấn đề tiết kiệm chi phí. So với chi phí hiện nay, một hợp đồng truyền thống sẽ mất chi phí giấy tờ, in ấn, chi phí chuyển phát hợp đồng hoặc chi phí đi lại. Mỗi hợp đồng, giao kết điện tử khi sử dụng, sẽ tiết kiệm được từ 30.000 VNĐ đến 80.000 VNĐ, nhân với số lượng hợp đồng đang giao dịch hàng năm hiện nay, chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp, cá nhân là rất lớn.

Bên cạnh đó là vấn đề tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất. So với quy trình hợp đồng giấy hiện tại, phải đợi Giám đốc doanh nghiệp, hoặc Lãnh đạo có mặt tại Văn phòng để ký trình, việc sử dụng Hợp đồng điện tử sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian hình thành hợp đồng. Lãnh đạo đơn vị có thể đang đi công tác vẫn có thể thực hiện phê duyệt, ký kết hợp đồng. “Điều này giúp cho việc tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất công việc rất nhiều”, ông Đặng Hoàng Hải nhận định.

Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, các bên thứ 3 như Ngân hàng, các Tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có thể căn cứ trên hợp đồng điện tử với xác thực của các đơn vị được Bộ Công Thương cấp phép, hoặc thông qua Trục phát triển hợp đồng điện tử của Bộ Công Thương để xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng. Việc này tiết kiệm nhiều thời gian xác minh và đảm bảo hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống.

Ông Đặng Hoàng Hải cũng cho biết thêm, việc lưu trữ hợp đồng dưới dạng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu, tìm kiếm một cách dễ dàng mà vẫn đảm bảo được sự an toàn, bảo mật của nội dung hợp đồng.

Với việc thương mại điện tử ngày càng phát triển, các giao dịch thương mại truyền thống ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Giúp xã hội văn minh và góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.

Ngày 15 tháng 3 năm 2022, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã có Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về Ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%.

Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2022/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 85/2021/NĐ-CP, hành lang pháp lý sẵn sàng, trong Quý I-II/2022, Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp gửi đề nghị cấp Đăng ký cung cấp dịch vụ Chứng thực hợp đồng điện tử và sẵn sàng cung cấp dịch vụ trong tháng 6/2022, hướng đến đạt kế hoạch của UB chuyển đổi số quốc gia xây dựng.

Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, căn cứ cấp phép cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phát triển hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia (CeCA.gov.vn).

Hệ thống trục sẽ là nơi cung cấp thông tin xác thực hợp đồng toàn quốc cho các bên thứ 3, đồng thời là nền tảng hỗ trợ, kết nối các Tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ dấu thời gian, chữ ký số, định danh và xác thực đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia sẽ đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế của hợp đồng điện tử, để kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.

“Mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy định về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp động dưới dạng điện tử”, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ tại Tọa đàm.

Tin khác

25/06/2022 - 

Bình Định: Nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương qua các sàn thương mại điện tử

04/11/2020 - 

Yêu cầu rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm gắn bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia

05/09/2022 - 

Sẵn sàng đưa vào vận hành hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử

05/11/2020 - 

Hệ thống Hỗ trợ giao dịch tích hợp thanh toán trực tuyến KeyPay nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020

28/11/2024 - 

Nghiêm cấm buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Online Friday 2024

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)