Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT & KTS) đã tích cực, chủ động triển khai một loạt các nhóm hoạt động để hoàn thành các mục tiêu trên và đạt một số kết quả nổi bật:
Thứ nhất là thường xuyên tổ chức đào tạo về pháp luật thương mại điện tử và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân tại địa phương. Cục TMĐT và KTS đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về pháp luật thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… tại các địa phương; qua đó tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử thông qua các Chương trình trên toàn quốc.
Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trao Giấy xác nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho các doanh nghiệp đủ điều kiện
Thứ hai là công tác phát triển các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, Cục đã phát triển các giải pháp về thanh toán trong thương mại điện tử; Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam… Các giải pháp này đóng vai trò thiết lập hạ tầng hỗ trợ, tạo môi trường giúp cho các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số.
Thứ ba là công tác thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương, đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử. Nổi bật như các chương trình kết nối thương mại điện tử cho các tỉnh thành phố tiêu thụ sản phẩm như “Tuần lễ Nông sản Việt”, “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa – Đặc sản Bến Tre”, Lễ hội vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, v.v…
Thông qua các hoạt động này, Cục TMĐT và KTS đã góp phần đưa hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên tiêu thụ trên Gian hàng Việt trực tuyến. Cụ thể, Chương trình “Ngày đặc sản Sơn La”, với các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ở Sơn La và người tiêu dùng trên cả nước đối với sản phẩm Sơn La như các sản phẩm Sữa Mộc Châu, nông sản trái cây sấy, mật ong nhãn Sông Mã, thực phẩm địa phương… Ngay trong ngày mở bán đầu tiên đã có hơn 3.000 đơn hàng cho các sản phẩm địa phương của Sơn La được chuyển đi các tỉnh, thành phố.
Chương trình “Tuần lễ Livestream mận Sơn La” diễn ra từ ngày 3 – 10/6/2023 đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem livestream trên các nền tảng số; 5,8 triệu lượt hiển thị sản phẩm; 1,7 nghìn đơn hàng và trên 12 tấn mận Sơn La được tiêu thụ.
Hội nghị “Xúc tiến thương mại sản phẩm Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn”. Thông qua chương trình quảng bá này 2,6 tỷ đồng giá trị sản phẩm Na đã được tiêu thụ qua kênh TMĐT.
Thông qua chương trình tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang được tổ chức vào ngày 25/5/2022, đã có hơn 9.000 tấn vải thiều với khoảng gần 1 triệu đơn đặt hàng đã được phân phối và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Hiệu quả của chương trình đã vượt hơn mục tiêu ban đầu ước tính là phân phối và tiêu thụ khoảng 2.000 tấn vải trên sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, bên cạnh Sàn Thương mại điện tử như Postmart đang hỗ trợ rất tích cực cho việc tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương, còn có các sàn thương mại điện tử khác đang triển khai với chương trình Sendo Farm, Tiki Ngon giúp bà con tiêu thụ tốt các loại thực phẩm nông sản qua mô hình đi chợ trên sàn thương mại điện tử hay marketplace với hàng nghìn sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP… được tổ chức tiêu thụ trên sàn.
Thứ tư, Cục TMĐT và KTS đã triển khai các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác/Sàn TMĐT quốc tế lớn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua TMĐT. Thông qua các chương trình hợp tác này, các sản phẩm đặc sản Việt Nam, do doanh nghiệp sản xuất sẽ có thể xuất khẩu qua thương mại điện tử thông qua các hình thức B2B, B2B2C đến với các thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.
Những mô hình hoạt động trên đã, đang và sẽ là hoạt động trọng tâm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong giai đoạn tới nhằm hỗ trợ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử tại miền núi, vùng sâu, vùng xa qua đó góp phần tiêu thụ, các sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.