Bài toán dân số là một vấn đề của xã hội hiện đại
Bài toán dân số đã được đặt ra từ thời cổ đại với câu chuyện kén rể của nhà thông thái. Câu chuyện kể rằng, nhà thông thái đặt ra một bài toán cho các chàng trai muốn lấy con gái của ông. Bài toán là: “Ô đầu tiên trên bàn cờ chỉ là 1 hạt thóc, ô thứ hai là 2 hạt, ô thứ ba là 4 hạt… Nếu cứ tiếp tục theo cấp số nhân như vậy, đến ô thứ 64, số hạt thóc sẽ là bao nhiêu?”. Trên thực tế, nếu gia tăng theo cấp số nhân, lượng thóc tại ô thứ 64 có thể đủ để phủ kín bề mặt trái đất. Qua đây có thể thấy, sự gia tăng dân số giống như lượng thóc tăng lên trong các ô của bàn cờ, con người sinh sôi trong khi diện tích đất đai không tăng thêm.
Ngược lại, cũng là câu chuyện này với một phiên bản khác, là trên một bàn cờ, ô đầu tiên có một hạt thóc, nhưng thay vì nhân đôi, ở ô thứ hai chỉ còn một nửa hạt thóc so với ô trước đó. Ở ô thứ ba, chỉ còn một nửa của ô thứ hai, nếu tiếp tục như vậy, đến ô thứ 64, lượng thóc chỉ còn một phần rất nhỏ so với ô đầu tiên. Vậy cũng có thể xảy ra tình huống dân số giảm theo cấp số nhân, tùy vào việc ta lựa chọn câu chuyện sẽ diễn biến theo hướng nào.
Bài toán dân số được đặt ra với Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm 2023 của Việt Nam ước tính 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022. Với quy mô dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam xếp thứ 15 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, thứ 8 ở châu Á và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
Dù là một trong 15 quốc gia đông dân nhất thế giới, Việt Nam đối mặt với tỉ lệ sinh thấp và đặc biệt là ở các vùng kinh tế trọng điểm. Theo ước tính của Cục Dân số (Bộ Y tế), tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Tại vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực, mức sinh tiếp tục xuống sâu (lần lượt là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ). Mức sinh tại TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất cả nước. Cả nước hiện chỉ còn vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao. Hiện chỉ 4 địa phương đạt mức sinh thay thế gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.
Một trong những vấn đề đặt ra cho dân số Việt Nam là mức sinh thấp và chênh lệch giữa các vùng kinh tế.
Thể chế liên kết vùng hỗ trợ giải quyết bài toán dân số
Các thể chế liên kết vùng như các tổ chức liên ngành, các khuôn khổ hợp tác liên vùng và nội vùng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến dân số. Mục tiêu hướng đến của các thể chế liên kết vùng là khai thác và tối ưu hóa nguồn lực, giảm sự chênh lệch về tốc độ phát triển kinh tế, trình độ và mức sống dân cư giữa các vùng. Dù các đơn vị này có thể không tập trung rõ ràng vào mục tiêu giảm hoặc tăng dân số nhưng có vai trò đáng kể với các hoạt động tác động gián tiếp đến biến động dân số.
Về mức sinh chênh lệch giữa các vùng
Theo nghiên cứu của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, mục tiêu của một địa phương hay một thành phố là thu hút và giữ chân được người giỏi, người giàu và doanh nghiệp. Vậy cũng thật dễ hiểu nếu người giỏi, người giàu và doanh nghiệp có xu hướng tập trung ở trung tâm phát triển của từng vùng thay vì xuất hiện với mật độ đồng đều trên cả nước. Cùng với đặc điểm chi phí sinh hoạt cao và kết hôn muộn tại khu vực trung tâm, thực tế trên đã tạo ra sự chênh lệch về mức sinh giữa các vùng kinh tế.
Liên kết vùng sẽ hạn chế tình trạng di dân giữa thành thị và nông thôn gây ra gánh nặng xã hội cho các đô thị lớn, từ đó giải tỏa áp lực cho thế hệ trẻ không nhất thiết phải tìm cách ở lại khu trung tâm để tìm kiếm cơ hội việc làm, tạo điều kiện an cư lập nghiệp, hướng đến sự phát triển hài hòa giữa các vùng.
Về mức sinh thấp trên toàn vùng
Liên kết liên vùng có thể góp phần giải quyết thách thức về tỷ lệ sinh thấp thông qua các nỗ lực hợp tác và chia sẻ nguồn lực, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn trên phương diện đời sống xã hội. Trong khi tỷ lệ sinh thấp là vấn đề phức tạp chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, thì sự hợp tác dựa trên liên kết vùng có thể đóng vai trò tạo ra môi trường hỗ trợ cho các gia đình.
Những nỗ lực hợp tác có thể hướng tới việc xây dựng và thực hiện các chiến dịch giáo dục liên vùng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kế hoạch hóa gia đình, lợi ích của việc có con và giải quyết những quan niệm sai lầm về cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Việc thiết lập hệ thống hỗ trợ xã hội liên vùng (dịch vụ chăm sóc trẻ em, chương trình cộng đồng và mạng lưới hỗ trợ), sáng kiến hợp tác nội vùng nhằm giải quyết các yếu tố văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến các quyết định kế hoạch hóa gia đình (các chiến dịch nhằm thay đổi thái độ của xã hội đối với việc sinh con, vai trò giới và cấu trúc gia đình) có thể giúp giảm bớt một số thách thức mà các gia đình phải đối mặt và khuyến khích họ cân nhắc việc sinh thêm con.
Thể chế liên kết vùng: từ bài toán dân số đến thương mại điện tử bền vững
Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ gần đây. Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng đã chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình thương mại điện tử.
Doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm nông sản tại Diễn đàn thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Thách thức của thương mại điện tử Việt Nam hiện tại cũng như độ khó của bài toán dân số, cả hai vấn đề đều xuất phát từ sự vận động, phát triển tự nhiên của kinh tế – xã hội. Mức sinh thấp và chênh lệch giữa các vùng là kết quả của sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là sự gia tăng mức sống của người dân. Thương mại điện tử cũng là một sản phẩm của sự phát triển kinh tế – xã hội, khi mô hình truyền thống không còn đáp ứng đầy đủ và kịp thời quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường.
Tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử thấp cũng có một phần lý do giống như của mức sinh thấp, là do sự chưa phổ biến trong nhận thức của người dân về giá trị và quyền lợi của bản thân khi đối diện với thay đổi trong môi trường xung quanh, đó là lúc sử dụng một công cụ mới để giao dịch mua bán, là lúc nhìn nhận lại về định nghĩa gia đình dưới tâm thế của thời đại mới.
Mức độ phát triển thương mại điện tử và mức sinh không đều giữa các vùng đều có chung một phần nguyên nhân, là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng. Cụ thể, có thể thấy rằng các vùng có trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… có mức độ phát triển thương mại điện tử cao hơn và mức sinh thấp hơn so với các vùng có trình độ phát triển kinh tế – xã hội thấp như vùng nông thôn, miền núi.
Cũng như dân số, sự phát triển của thương mại điện tử là tất yếu, câu hỏi về phát triển một cách bền vững là vấn đề cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội để giải quyết thông qua nâng cao trình độ dân trí và nhận thức của người dân cũng như hoàn thiện chính sách quản lý, đầu tư phát triển đồng đều các vùng kinh tế.