Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Hội nghị “Thương mại điện tử: Tiềm năng tiếp cận vào thị trường Singapore và các nước trong khu vực”

24/07/2023

Sáng ngày 21 tháng 7 năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã phối hợp cùng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đồng chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến Thương mại điện tử: Tiềm năng tiếp cận vào thị trường Singapore và các nước trong khu vực.

Đây là chương trình hoạt động của Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử đến quốc gia giai đoạn 2021-2025; đồng thời thực hiện hoạt động xúc tiến đẩy mạnh đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Singapore và các nước trong khu vực; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp có liên quan đến thương mại điện tử, như: đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ, máy móc thiết bị hiện đại; liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước, liên kết thanh toán xuyên quốc gia, vận chuyển hàng hóa, logistics, hải quan,…

Hội nghị có sự tham gia của Ngài Mai Phước Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Singapore; ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương; ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore; bà Bùi Thanh Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Về phía Singapore có sự tham gia của ông Jason Bay, Giám đốc Văn phòng điều hành Tập đoàn Sea Group (Singapore) – chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee; bà Listar Nguyen, Giám đốc điều hành, Nikko Group; ông Vincent Tan Hak Siang, Chủ tịch công ty Advanced Produce Centre Development.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Mai Phước Dũng cho biết, trong những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore luôn phát triển tích cực. Đặc biệt, năm 2023 mang nhiều ý nghĩa với việc hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Singapore là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam trong ASEAN. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Trong các hoạt động thương mại, không thể không nhắc đến vai trò của thương mại điện tử, đây là một xu hướng mới, đầy tiềm năng trong tương lai. Chính phủ Việt Nam xác định thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử đến quốc gia giai đoạn 2021-2025, với nhiều mục tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Quang Huy nhận định hợp tác trong lĩnh vực công thương giữa Việt Nam và Singapore phát triển tốt đẹp, không chỉ được làm sâu sắc thêm trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, công nghiệp, năng lượng truyền thống mà còn liên tục được mở rộng ra các lĩnh vực mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, trong số đó có kinh tế số và thương mại điện tử. , Với vị trí là cửa ngõ thương mại ra thế giới, kinh doanh với các đối tác Singapore   mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác Hoạt động thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Singapore có nhiều thuận lợi như vị trí địa lý gần gũi, được hưởng ưu đãi từ nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chia sẻ và cập nhật các thông tin thương mại tại thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã cung cấp các số liệu thống kê, thông tin xuất nhập khẩu thị trường, thông tin quy định của Singapore về thương mại điện tử. Ông Thắng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý xu hướng thương mại điện tử của Singapore trong tương lai, như thương mại điện tử cho điện thoại thông mình, phát sóng trực tiếp (livestream), thương mại trên nền tảng các mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và thương mại giọng nói (voice commerce).

Tại hội nghị, bà Bùi Thanh Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã chia sẻ các quy định của Việt Nam về thương mại điện tử, các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam, các mục tiêu chương trình phát triển thương mại điện tử đến năm 2025 của Việt Nam. Các doanh nghiệp Singapore đã bày tỏ sự quan tâm tới các chính sách, nhất là thu hút đầu tư hạ tầng phục vụ thương mại điện tử, chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đại diện cho Shopee, một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Jason Yu, Giám đốc nền tảng Shopee quốc tế (SIP), đã chia sẻ về thương mại điện tử xuyên biên giới cho khu vực Đông Nam Á. Ông Jason cũng đưa ra danh mục các sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng Shopee quốc tế tại một số quốc gia như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaisia,..và các bước để doanh nghiệp có thể bắt đầu xuất khẩu hàng hóa thông qua nền tảng này.

Đối với lĩnh vực bán buôn các sản phẩm nông sản thực phẩm, ông Vincent Tan Hak Siang, Chủ tịch công ty Advanced Produce Centre Development (APC) đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam nền tảng đấu giá bán buôn các sản phẩm nông sản, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vào thị trường Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Vincent cũng bày tỏ, công ty APC đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và đầu tư mở công ty tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Lista Nguyen – Giám đốc điều hành công ty Nikko Singapore, đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận diện các trở ngại của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường thế giới. Trong đó, sự kém hiểu biết thị trường và kết nối quốc tế để tối ưu hóa quy trình bán hàng xuyên quốc gia, giá thành vận chuyển quốc tế cao, thời gian giao hàng lâu,… là những cản trở chính.

Hội nghị đã thu hút 287 lượt bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Singapore đăng ký tham dự. Các doanh nghiệp tham gia bao gồm các nhà sản xuất, trang trại, công ty thương mại, phần mềm, giải pháp công nghệ, in ấn và bao bì, đóng gói, bán buôn, bán lẻ, may mặc, gia dụng, tư vấn pháp lý, chuyển đổi số, đầu tư, nghiên cứu khoa học, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các cơ quan báo chí. Điều này cho thấy hội nghị đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và truyền thông./.

Tin khác

19/12/2022 - 

Hướng dẫn định danh, xác thực người ký hợp đồng điện tử bằng thẻ CCCD gắn chip điện tử tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78

28/10/2020 - 

Xử lý website thương mại điện tử myphambo.com kinh doanh mỹ phẩm giả thương hiệu Transino

15/09/2023 - 

Danh sách các đơn vị đã đăng ký Hoạt động Cung cấp dịch vụ Chứng thực hợp đồng điện tử

23/04/2021 - 

VIETTEL POST “TUNG” 2 TRIỆU VOUCHER GIẢM PHÍ VẬN CHUYỂN CHO CÁC SHOP KINH DOANH ONLINE

24/01/2024 - 

10 sự kiện nổi bật của Trung tâm Tin học và Công nghệ số năm 2023

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)