Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Công nghiệp 4.0 – Xu thế, tác động và định hướng

06/04/2018

Chiều ngày 6/4, tại Hà Nội, Đoàn thanh niên Bộ Công Thương đã tổ chức tọa đàm “Công nghiệp 4.0 – Xu thế, tác động và định hướng”.

Cơ hội cho sự phát triển

Đồng chí Đào Minh Hải, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Công Thương Hoàng Minh Chiến cho biết, với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất và kinh doanh của thế giới và của Việt Nam trong tương lai không xa.

Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Công Thương Hoàng Minh Chiến phát biểu tại tọa đàm

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nước ta trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Đơn cử, bà Nguyễn Thúy Anh – Trưởng phòng Kinh tế số – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nêu rõ, có thể thấy rõ những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua hàng loạt các ứng dụng mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày như Grab, Uber, Traveloka… Đây đều là những ứng dụng mang lại sự tiện ích cao cho người tiêu dùng với giá rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng.

Ông Lê Chí Dũng – Giám Đốc Trung tâm Sáng tạo, Tập đoàn công nghệ CMC nêu ví dụ, khi có cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan, đơn vị, DN sẽ có nhiều cơ hội cải tiến phương thức sản xuất và cung cấp dịch vụ; nhiều ngành, lĩnh vực được ứng dụng công nghệ tiên tiến, trở nên thông minh hơn; nhiều mô hình kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ mới được hình thành.

Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất và lượng tiêu thụ dự kiến sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Nhưng khi nhìn sang Đức, có thể thấy hình ảnh ngược lại là người dân đã tự sản xuất điện cho nhu cầu sử dụng của mình, không những giúp giảm gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia mà họ còn kiếm được tiền nhờ bán điện cho Chính phủ. Có được điều này là nhờ người dân đã áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời trong mỗi căn nhà. Ban ngày, khi ánh nắng mặt trời nhiều, lượng điện sản xuất ra được tích vào các bộ lưu điện, sau khi sử dụng thừa sẽ bán lại cho Chính phủ. Nhờ đó, hiện nay, người dân đã chủ động được nguồn điện cho nhu cầu sử dụng. Các công nghệ tiên tiến này có thể được nhập khẩu sang các quốc gia kém phát triển hơn.

Thách thức hiện hữu

Các diễn giả trao đổi bên lề về kinh nghiệm tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0

Song song với những cơ hội, sức ép từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang lại không ít thách thức. Cụ thể, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao… Mặt khác, có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Ông Lê Chí Dũng cũng cho hay, trong một khảo sát của CMC, phần lớn DN cho rằng tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 là rõ ràng với DN, nhưng khi hỏi về chiến lược ra sao để đón đầu thì 80% DN cho rằng chưa chuẩn bị gì cả. Đó là vấn đề lớn và nếu ta không thể cung cấp sản phẩm chất lượng cao hơn, nhanh hơn và dịch vụ tốt hơn thì ta sẽ bị tụt hậu.

Do đó, nhằm tồn tại và phát triển mạnh hơn trong giai đoạn hiện nay, CMC đang xây dựng hệ sinh thái sáng tạo trong tập đoàn, nơi sự sáng tạo luôn luôn được khuyến khích. Tập đoàn cũng khuyến khích nhân viên tiếp cận với khách hàng, khuyến khích nhân viên có thời gian sáng tạo để cho ra đời các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng.

TS. Đinh Văn Thành – Tổng giám đốc Công ty Polyco – Phó hiệu trưởng Trường Đại học công nghệ Đông Á chia sẻ thêm, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Polyco đã đầu tư và thay đổi hiện trạng nhà máy hiện có sang hướng nhà máy thông minh với các dữ liệu được số hóa, tích hợp hệ thống quản lý doanh nghiệp bằng phần mềm EPR, MES theo tiêu chuẩn quốc tế…

Kỳ vọng ở lực lượng thanh niên Bộ Công Thương

Trao Giấy khen của Đoàn thanh niên Bộ Công Thương cho các chi đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc

Đón đầu các cơ hội và giải quyết các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Cụ thể, bà Kiều Nguyễn Việt Hà – đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, chú trọng triển khai các giải pháp như xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế theo hướng rà soát, lồng ghép các nội dung về tăng cường năng lực tiếp cận và ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các chiến lược, chính sách phát triển ngành Công Thương; rà soát, sửa đổi, đề xuất mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới… Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tiếp cận và nhanh chóng hấp thu, phát triển các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của các cơ quan quản lý nhà nước ngành Công Thương. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực ngành công thương phục vụ yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thừa nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại không ít khó khăn nhưng bà Kiều Nguyễn Việt Hà cũng cho rằng, con người có những kỹ năng mà máy móc không thể thay thế được. Do đó, với các đoàn viên thanh niên Bộ Công Thương, bà Kiều Nguyễn Việt Hà cho rằng: “Quan trọng nhất là ta phải có một tư duy mới, một tư duy cởi mở. Bởi với vai trò là đơn vị tham mưu xây dựng các cơ chế quản lý nhà nước cho một ngành rộng lớn, nếu không có một tư duy cởi mở, lực lượng đoàn viên thanh niên Bộ Công Thương sẽ không thể giúp xây dựng những chính sách theo kịp sự vận động và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và đời sống”.

Phó Bí thư thường trực Đoàn khối các cơ quan Trung ương Hà Văn Ngọc nhấn mạnh thêm: “Ai tạo ra máy móc? Đó chính là con người. Do đó máy móc không thể thay thế con người được. Đảng, Chính phủ đã có những quyết sách với mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực và làm tốt những điều đó, cộng với việc đoàn viên thanh niên tự trau dồi kiến thức, kỹ năng của mình thì ta hoàn toàn có thể vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ nhờ việc tận dụng các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đồng chí Đào Minh Hải – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm, đoàn viên thanh niên Bộ Công Thương là những cán bộ ngành Công Thương – những người trực tiếp tham mưu với lãnh đạo bộ về các chính sách công nghiệp và thương mại. “Các chiến lược phát triển của ngành Công Thương trong giai đoạn tiếp theo là do các đồng chí xây dựng. Đó là những sứ mệnh to lớn, nặng nề. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ, các đồng chí cần chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, năng lực ngoại ngữ để có thể để đáp ứng tốt những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bằng sự sáng tạo, kỹ năng, tin rằng đội ngũ đoàn thanh niên Bộ Công Thương sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng các chiến lược, chính sách phù hợp và thức thời, giúp Bộ Công Thương phát triển”.

Tin khác

04/11/2020 - 

Khuyến cáo khi mua thực phẩm online

10/09/2020 - 

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử

04/10/2024 - 

Rủi ro pháp lý đối với hợp đồng điện tử không an toàn dẫn đến không được bên thứ ba thừa nhận. Kỳ 1: Chữ ký số giả mạo

23/04/2024 - 

Mối quan hệ của thương mại điện tử với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (phần 2)

10/10/2022 - 

Ứng dụng thẻ CCCD gắn chip để định danh – xác thực điện tử trong ký kết Hợp đồng điện tử

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)