Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ Doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường

24/07/2023

Thế giới đang bước vào “kỷ nguyên số” với đặc điểm, tính chất và sự tác động sâu rộng chưa từng có. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt để nhanh chóng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền tảng thương mại số và kinh tế số. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan báo chí, doanh nghiệp tuyên truyền, kết nối hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế… 

Mục tiêu hỗ trợ 200.000 doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, đầu mối, phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, các doanh nghiệp cung ứng hạ tầng cho thương mại điện tử triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương thương mại điện tử quốc gia – GoOnline.gov.vn” diễn ra trong giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình với mục tiêu hỗ trợ được 200.000 doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, chia các giải pháp thành 8 nhóm trên cơ sở là nhu cầu, khó khăn của các doanh nghiệp, thương nhân đang gặp phải khi muốn Go Online, gồm có: Hỗ trợ dịch vụ chuyển phát, giao hàng, logistic; Hỗ trợ vay vốn, tài chính; Hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử uy tín; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ứng dụng phần mềm; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thanh toán điện tử; Hỗ trợ nhà sản xuất xây dựng chuỗi bán hàng đa kênh; Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử B2B2C; Triển khai Gian hàng Việt trực tuyến do Bộ Công Thương bảo trợ trên các sàn thương mại điện tử. Chương trình cũng triển khai đầu số Hotline hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT 1900 86 86 86 luôn sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu, thắc mắc của doanh nghiệp.

Ngoài ra, căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức đã gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương đối với hoạt động ứng dụng hợp đồng điện tử để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, cắt giảm chi phí và đảm bảo tính pháp lý, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trong các Nghị định 52/2013/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử, chính thức tạo hành lang pháp lý đầy đủ để cấp phép cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Các đơn vị được cấp đăng ký sẽ được gọi là các Tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) và được hỗ trợ bởi Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn). Trong Quý II, Bộ cũng đã làm việc với các doanh nghiệp gửi đề nghị cấp đăng ký cung cấp dịch vụ Chứng thực hợp đồng điện tử và đã sẵn sàng triển khai cung cấp dịch vụ từ tháng 6/2022 vừa qua nhằm hướng tới mục tiêu đạt kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đề ra.

“Chia lửa” với hệ thống phân phối truyền thống

Với vai trò vừa là cơ quan quản lý lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời là có vai trò định hướng, tổ chức phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, thời gian qua Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các Sàn thương mại điện tử. 

Với các Hội nghị, Chương trình đào tạo tập huấn, kết nối thương mại điện tử được tổ chức trên 30 tỉnh thành phố từ Bắc vào Nam đã giúp hàng nghìn doanh nghiệp Việt, hợp tác xã địa phương tiếp cận và được hỗ trợ từ chương trình, hàng trăm sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được lựa chọn hỗ trợ đưa lên phân phối trên các Sàn thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và các phương thức khác nhau. Các sự kiện tiêu biểu như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa – Đặc sản Bến Tre”, Lễ hội vải thiều Hải Dương . . . và đặc biệt là Chương trình kết nối tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử lớn ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trên các Sàn thương mại điện tử với gần 1 triệu đơn hàng, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho người trồng vải, giá vải tiêu thụ duy trì mức cao hơn so với các năm. 

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở các tỉnh, thành phố từ giữa năm 2021. Hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm … đã được tổ chức phân phối qua các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada … góp phần không nhỏ trong việc duy trì chuỗi lưu thông, tránh không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời “chia lửa” với hệ thống phân phối truyền thống, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân khắp các tỉnh, thành phố.   

Có thể nói sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp chuyển phát… và cộng đồng xã hội đã góp phần thay đổi lớn trong tư duy của doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp sản xuất địa phương trong việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng phương thức phân phối hiện đại trong đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tin khác

17/05/2023 - 

Tặng 5000 tem truy xuất hàng chính hãng cho một số hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu thị xã Duy Tiên

09/03/2022 - 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến thương mại điện tử

04/09/2024 - 

Ứng dụng eKYC trong quản lý thương mại điện tử tại Việt Nam

14/07/2022 - 

Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục xin đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

26/05/2023 - 

Thúc đẩy liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Trà Vinh trên các sàn Thương mại điện tử và nền tảng bán hàng trực tuyến

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)