Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thương mại điện tử

21/09/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên thiết yếu đối với công nghệ thương mại điện tử trong những thập kỷ qua. Sự phát triển nhanh chóng của nó đã thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.

Trong ba mươi năm qua, nền kinh tế thế giới đã phải đối mặt với quá trình số hóa chưa từng có. Quá trình này đã chuyển đổi các nhiệm vụ quản lý và vận hành của doanh nghiệp từ phương pháp truyền thống sang công nghệ hóa với mục đích là duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo thị phần. Các thiết bị di động có kết nối internet giúp người tiêu dùng có thể truy cập trực tuyến vào một thị trường rộng lớn, nơi họ có thể mua sắm vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ nơi đâu. Người tiêu dùng hiện có thể tiếp cận hàng trăm loại mặt hàng, nhãn hiệu và sản phẩm ở nhiều mức giá. Hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai công nghệ để duy trì lợi thế cạnh tranh và bắt đầu bán lẻ trực tuyến hoặc ứng dụng thương mại điện tử. Hàng ngày, các nhà kinh doanh liên tục cập nhật công nghệ của họ, chuyển đổi dần từ công nghệ internet tiêu chuẩn sang công nghệ thông minh như Trí tuệ nhân tạo.

AI có tác động tích cực đến công việc kinh doanh. Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, khi các công ty đang chuyển đổi, AI đang trở thành nhu cầu của các công ty thương mại điện tử và khách hàng. Vì thương mại điện tử đang thu hút nhiều khách hàng và mỗi khách hàng có một lựa chọn khác nhau, nên việc ứng dụng theo từng cá nhân là một thách thức. 

Thứ nhất, công nghệ AI được sử dụng để xác định các tổ chức và nhu cầu cũng như sở thích của khách hàng theo lịch sử mua sắm và xu hướng trên thị trường. Với sự hỗ trợ của AI, nhiều ý tưởng mới đã được phát triển giúp xác định hành vi mua hàng của khách hàng. 

Thứ hai, công nghệ AI có vai trò quan trọng trong tiếp thị thương mại điện tử. Các công ty khi kinh doanh đều có mục tiêu tối ưu lợi nhuận và tăng trưởng doanh số bán hàng thông qua các công cụ khuyến mại. Hiện nay, các công ty thương mại điện tử đã triển khai các chiến lược và công cụ quảng cáo hiệu quả để bán sản phẩm dựa trên công nghệ AI với mục tiêu tiếp cận những khách hàng mong muốn. AI có thể xác định những người mua tiềm năng và dự đoán nhu cầu, xu hướng và hành vi của thị trường. AI cũng mang lại sự tiện lợi cho những khách hàng có hạn chế về đọc hiểu thông tin, những người không biết viết, v.v., để tiếp cận sản phẩm mong muốn của họ với sự trợ giúp của công cụ tìm kiếm bằng giọng nói. 

Thứ ba, ứng dụng AI trong thương mại điện tử cũng hữu ích cho nhà tiếp thị trong việc đánh giá hành vi mua hàng, nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng liên quan đến một sản phẩm cụ thể. Đôi khi, người tiêu dùng không muốn mua các sản phẩm cụ thể; nhưng thông qua tiếp thị và quảng cáo kỹ thuật số, công ty đã tác động đến người tiêu dùng để họ thao tác đặt mua. Các công ty thương mại điện tử đã phát triển nhiều ứng dụng dựa trên AI như một phần của chiến lược tiếp thị của họ, cho phép khách hàng mua một sản phẩm cụ thể thông qua sự điều hướng của AI. 

Thứ tư, các công ty thương mại điện tử không chỉ có thể bán sản phẩm của mình bằng công nghệ và ứng dụng AI mà còn có thể nhận được phản hồi của người tiêu dùng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. AI hỗ trợ các công ty thương mại điện tử đến gần hơn với khách hàng của mình, ghi lại và đánh giá các hoạt động của người truy cập hoặc người dùng kèm theo thời gian truy cập trang web. Đối với người mua sắm trực tuyến, các thuật toán tự học AI hướng dẫn khách hàng tiếp cận sản phẩm theo lựa chọn và nhu cầu cá nhân.

Có thể nói, tiềm năng của thương mại điện tử đã tạo ra một cuộc chạy đua giữa các tổ chức thương mại điện tử, việc áp dụng công nghệ AI có thể nâng cao hiệu suất hoạt động và tăng chất lượng dịch vụ nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn so với đối thủ cạnh tranh. Trên thực tế, việc kinh doanh trực tuyến hoặc thương mại điện tử đã sẵn có nhiều lợi thế, bao gồm khả năng tiếp cận các thị trường mới, chi phí kinh doanh thấp và thông tin từ khách hàng về các sản phẩm và dịch vụ. Các nền tảng trực tuyến hoặc thương mại điện tử cũng phải đối mặt với những thách thức như sự phức tạp trong việc thu thuế bán hàng, chi phí khổng lồ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thách thức về văn hóa. Những thách thức này được coi là mối đe dọa đối với hoạt động quản lý thương mại điện tử và hiệu quả sản xuất. 

AI là công nghệ mới giúp giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và chính trị trong xã hội khi nó thực hiện các nhiệm vụ tương tự như bộ não con người. Các nhiệm vụ này bao gồm từ phân tích thông tin đến ra đưa quyết định và nhận dạng giọng nói. AI đã trở thành một lĩnh vực quan tâm chính của các nhà đầu tư bằng cách hỗ trợ quá trình suy nghĩ của con người. Hơn nữa, sự thành công của thương mại điện tử phụ thuộc rất nhiều vào việc giao tiếp hiệu quả giữa các nhà bán lẻ và khách hàng mà không có bất kỳ sự chậm trễ và bất tiện nào, điều này chỉ có thể thực hiện được khi có cơ sở hạ tầng công nghệ phù hợp cho các nền tảng bán lẻ điện tử. Trải nghiệm của khách hàng phụ thuộc đáng kể vào công nghệ mà một công ty kinh doanh đang sử dụng. 

Nhìn chung, việc tích hợp AI vào cơ sở hạ tầng sẽ loại bỏ những điểm yếu và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trên các nền tảng thương mại điện tử. Lúc ban đầu, công nghệ khá hữu ích cho việc sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, sau đó dần dần mở rộng ứng dụng vào quy trình kinh doanh trên thị trường, tức là hoạt động mua bán. Hiện nay, nhiều hoạt động kinh doanh quan trọng được thực hiện với sự trợ giúp của công nghệ, mang lại lợi ích cho các tổ chức thương mại điện tử và khách hàng. Một mặt, công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng mặt khác, nó khiến lĩnh vực này trở nên rất cạnh tranh và cần liên tục cập nhật công nghệ tiên tiến.

Mai Anh – Phòng Phát triển thị trường

Trung tâm tin học và Công nghệ số

Tin khác

25/09/2024 - 

Sự phát triển của các dịch vụ giao hàng nhanh trong thương mại điện tử tại Việt Nam

20/08/2024 - 

Phát triển bền vững bao bì đóng gói hàng thương mại điện tử: Lịch sử vật liệu, hình thức và cải tiến

04/03/2024 - 

Thể chế liên kết vùng – Từ bài toán dân số đến thương mại điện tử bền vững

29/04/2022 - 

Hội nghị kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động Thương mại điện tử tại Quảng Ninh – Hội chợ OCOP 2022

18/05/2023 - 

Bắc Giang: Hỗ trợ hợp tác xã địa phương phát triển sản phẩm qua thương mại điện tử

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)