Bộ Công Thương

Cục thương mại điện tử và kinh tế số

10 sự kiện nổi bật của Trung tâm Tin học và Công nghệ số năm 2023

24/01/2024

Năm 2023, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm được giao phó nhằm kết nối hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp toàn quốc thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, mở rộng thị trường thông qua các nền tảng số bằng việc ứng dụng công nghệ số và thực hiện trên các hạ tầng số. Cùng nhìn lại những kết quả của Trung tâm CID đạt được tại những nhiệm vụ lãnh đạo Cục giao trong năm 2023.

  1. 10 năm Chương trình “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2023”

Chương trình Tuần lễ TMĐT quốc gia, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2023 là một trong những hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua thương mại điện tử nổi bật. Là năm thứ 10 Chương trình được tổ chức, với những kết quả và kinh nghiệm đã có được, Online Friday 2023 đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cả về hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm hướng đến xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mại thực chất, các chương trình đồng hành nghiêm túc của các nhãn hàng, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lớn và các nền tảng hỗ trợ bán hàng như: TikTokShop, Shopee, Lazada, Tiki, VNPAY, ZaloPay, Viettel Post, VnPost, AccessTrade…

Chương trình đã phối hợp cùng các đối tác là các sàn thương mại điện tử triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm chính hãng, các sản phẩm thuần Việt trên các nền tảng thương mại điện tử kết hợp giải trí như TikTok, Facebook. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã cùng nhau thực hiện cam kết đầy ý nghĩa là tham gia xây dựng Hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. 

Doanh nghiệp và người tiêu dùng đã có thêm cơ hội tham gia vào một loạt sự kiện trong khuôn khổ diễn ra Chương trình như: Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam; Sự kiện kích hoạt 60h mua sắm trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam; Lễ hội trải nghiệm thương mại điện tử và âm nhạc tại Phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội; Các gian hàng livestream tại phố đi bộ Hoàn kiếm của các doanh nghiệp với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, trải nghiệm đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thông qua Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử…

Ngay sau đó, hoạt động truyền thông với trên 500 bài báo và bản tin truyền hình, trên 870 triệu lượt người tiêu dùng tham gia tương tác trên các nền tảng mạng xã hội, hiệu quả truyền thông giúp thị trường đạt trên 10,5 triệu đơn hàng, tăng 240% so với trung bình ngày bình thường. 

2. Triển khai thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ hàng hoá theo chiến lược liên kết vùng

Để hiện thực hoá mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá Việt Nam qua thương mại điện tử của lãnh đạo Cục giao, bên cạnh các Chương trình kích cầu như Online Friday, các Hạ tầng số hỗ trợ giao dịch điện tử, CID đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện vai trò kết nối của Bộ Công Thương trong cộng đồng doanh nghiệp với các chương trình thúc đẩy TMĐT qua liên kết vùng với trọng tâm hỗ trợ về hạ tầng chuyển phát và Logistics TMĐT, thúc đẩy doanh nghiệp Go Online ứng dụng TMĐT tại thị trường trong nước và Đặc biệt là hoạt động thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. 

Cụ thể, ngày 02/11, tại thành phố Cần Thơ, CID đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Cần Thơ và đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023. Diễn đàn có sự tham dự của nhiều Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đại diện trên 200 doanh nghiệp, Hiệp hội, ngành hàng; sàn thương mại điện tử, đối tác về chuyển đổi số và giải pháp tài chính cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ. 

Nội dung của Diễn đàn hướng tới những mục tiêu quan trọng đối với việc thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử: (1) Tăng cường vai trò hỗ trợ của nhà nước và thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, sản phẩm địa phương thông qua xây dựng các chương trình liên kết tiêu thụ qua thương mại điện tử với phương thức vận chuyển logistics tối ưu từ các Sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics, giúp doanh nghiệp địa phương giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. (2) Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp thương mại điện tử tăng cường hợp tác, chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm, công nghệ để phát triển thương mại điện tử. (3) Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường nước ngoài, ứng dụng công nghệ số, kết nối chuỗi cung ứng, chia sẻ giải pháp công nghệ góp phần tối ưu hóa chi phí logistics thương mại điện tử (4) Quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm vùng miền địa phương trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số thông qua Chương trình phát động “Ưu tiên dùng hàng Việt” trên các Sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Postmart …(5) Xây dựng mô hình liên kết vùng trong trong phát triển thương mại điện tử tại Cần Thơ và Đồng bằng SCL thúc đẩy tiêu thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng nhằm tăng cường cơ chế hợp tác giữa Trung ương và địa phương, giữa các thành viên trong vùng, quy hoạch hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Với mong muốn chú trọng vào kết quả thực tế là hiệu quả mà doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hoá trong nước và quốc tế qua các kênh thương mại điện tử, CID đã tổ chức chuỗi sự kiện tại Diễn đàn phù hợp với mục tiêu trên và giúp các doanh nghiệp địa phương tìm kiếm được những giải pháp hỗ trợ phù hợp, cùng với các cơ quan Trung ương, địa phương hướng tới mục tiêu chuyển đổi số, phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông đặc sản, sản phẩm tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Cục TMĐT và KTS trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho các doanh nghiệp đủ điều kiện

Tiếp nối thành công của những đơn vị đã được cấp Lễ trao giấy đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trước đây, ngày 15/06/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử đã tổ chức Lễ trao giấy đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 đơn vị khác đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam VNPay, Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần Savis, Công ty cổ phần công nghệ tin học EFY Việt Nam.

Giải pháp Trục hợp đồng điện tử Việt Nam thuộc nhóm Giải pháp phát triển thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng, trong khuôn khổ thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025”. Giải pháp này là nền tảng “cầu nối” các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực điện tử, dấu thời gian, chữ ký số, định danh chéo v.v… giúp chứng thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả.

Việc triển khai giải pháp này của CID nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức về tính bảo mật thông tin và đảm bảo tính toàn vẹn của hợp đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam. Những đơn vị được trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử không chỉ đại diện cho sự phát triển của lĩnh vực chứng thực hợp đồng điện tử, mà còn đóng góp một phần không nhỏ vào vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy kinh tế số và toàn cầu hóa. 

4. Xuất sắc giành 2 giải thưởng Sao Khuê 2023

Tại Lễ công bố và trao Giải thưởng Sao Khuê 2023 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 28/4 , CID đã vinh dự mang về được 02 giải thưởng xuất sắc gồm Hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công Keypay và Trục hợp đồng điện tử Việt Nam. 

Tham dự giải Sao Khuê 2023, vượt qua nhiều vòng đánh giá của Hội đồng Giám khảo và bình chọn của các chuyên gia, Hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công Keypay đã chính thức giành giải thưởng Sao Khuê 2023 cho lĩnh vực “các dịch vụ, giải pháp công nghệ tiên phong”, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam được vinh dự nhận giải xuất sắc cho lĩnh vực “các nền tảng chuyển đổi số”.

Giải thưởng Sao Khuê 2023 nhận được 331 để cử từ 215 doanh nghiệp. Hội đồng Giải thưởng Sao Khuê 2023 đã bình chọn và quyết định trao 182 Giải thưởng Sao Khuê 2023, bao gồm: 15 nền tảng số, 22 dịch vụ giải pháp công nghệ tiên phong, 2 Startup số, 38 dịch vụ và 105 giải pháp số xuất sắc. Đặc biệt, 11 đề cử được xếp hạng Sao Khuê 5 sao và 10 đề cử xuất sắc được trao Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023. Giải thưởng Sao Khuê 2023 cũng ghi nhận 15 dịch vụ xuất khẩu phần mềm.

Chính vì thế, việc dành được một lúc hai giải thưởng xuất sắc tại Sao Khuê 2023 là một thành tích đáng tự hào đối với CID. Đây sẽ là động lực để CID không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu năng các giải pháp của mình để đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi số và vươn cao vươn xa hơn. 5. Nâng cấp hệ thống vé điện tử ứng dụng biên lai điện tử tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Thực hiện hướng dẫn tại Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của luật quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 123). Tháng 05/2023, CID đã phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiến hành nâng cấp hệ thống vé điện tử sử dụng dụng biên lai điện tử. 

Với tiện ích này, khách tham quan chỉ cần mua một vé (theo hình thức biên lai điện tử) rồi sau đó quét mã QR cho cả đoàn đi vào, thay vì mua cho mỗi người một vé giấy như phương thức cũ. 

CID tin tưởng rằng, việc nâng cấp biên lai điện tử lần này sẽ hỗ trợ tích cực cho mô hình quản lý vận hành của Văn Miếu – Quốc Tử Giám một cách hoa học và minh bạch. Điều này vùa giúp nâng cao thêm trải nghiệm cho khách tham quan, đồng thời, nhân viên soát vé không còn phải vất vả kiểm tra từng vé tương ứng với người, cũng như không cần phải nhận vé, xé vé khi khách qua cửa như trước đây nữa…

6. Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái qua giải pháp xác thực hàng chính hãng Qrcode (Truyxuat.gov.vn)

Ảnh dán tem giải pháp xác thực hàng chính hãng Truyxuat.gov.vn của doanh nghiệp

Thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QRcode) để xác thực sản phẩm là hàng chính hãng, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị trên môi trường điện tử, CID đã xây dựng và đi vào vận hành hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử (truyxuat.gov.vn).

Mã QRcode không chỉ giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi mua sắm, mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong công tác chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra trên thị trường nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh, mua sắm thông minh, an toàn và minh bạch. 

Doanh nghiệp cũng vì thế mà có thể giảm được chi phí truyền thông chống giả cũng như xử lý khủng hoảng do thương hiệu bị giả mạo đồng thời có thể xây dựng những chiến lược Marketing hiệu quả dựa trên các thông tin gửi về hệ thống. 

7. Sàn Đặc sản địa phương – Mô hình phân phối đặc sản qua Sàn TMĐT

Với mong muốn hỗ trợ các bên sản xuất, cũng như đưa các sản phẩm đặc sản địa phương trên khắp cả nước đến tay nhiều người tiêu dùng, năm 2023, CID đã đang nghiên cứu để triển khai và hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp ở các địa phương tiếp cận với mô hình bán hàng là Sàn Đặc sản địa phương.

Cụ thể, khi tham gia mô hình Sàn Đặc sản địa phương, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng đặc sản trên các sàn TMĐT lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT.

Qua khảo sát ý kiến từ một số địa phương, CID đã ghi nhận một số khó khăn chủ yếu đến từ nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing…

Trước khó khăn của doanh nghiệp, cũng nhằm phát huy đầy đủ hiệu quả của các kênh TMĐT, CID đã giới thiệu và kết nối các Sở, Ban, ngành địa phương với các nền tảng TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT để triển khai giải pháp Sàn Đặc sản địa phương – Mô hình phân phối đặc sản địa phương qua các Sàn TMĐT. 

Đây cũng là một giải pháp nằm trong Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online do Cục TMĐT và KTS đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng TMĐT lớn, sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm đặc sản địa phương mang lại hiệu quả tốt nhất.

8. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tạo đà bứt phá phát triển thương mại điện tử

Thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 và Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Bộ Công Thương đặt mục tiêu cao đối với thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, hanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong năm 2023 CID đã triển khai nhiều các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành như: Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay; Nghiên cứu triển khai hệ thống thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử theo phương án trọng tài thương mại (ESCROW) hướng đến mục đích bảo vệ cả người tiêu dùng và người bán hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt trong một giao dịch thương mại điện tử. ESCROW bảo vệ lợi ích của các bên tham gia giao dịch trực tuyến, cụ thể: Tăng lượng thanh toán điện tử qua Escrow, giảm tỷ lệ COD; Tăng độ tin cậy và thúc đẩy gia tăng giao dịch; Giải quyết tranh chấp với cơ sở pháp lý rõ ràng; Bảo vệ lợi ích cho cả bên mua và bên bán…

9. Gỡ khó cho doanh nghiệp trong vấn đề xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Shipping, delivery  logistic concept. Earth and cardboard boxes

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, dù mong muốn gia nhập các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc và rào cản, dẫn đến sự chần chừ và khó khăn để bắt đầu.

Nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản đang gặp phải, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp Việt tiếp cận và xuất khẩu thành công qua nền tảng TMĐT, trong năm 2023, CID cũng đã có một số hoạt động nghiên cứu và hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn và các đối tác có nguồn lực, giải pháp kỹ thuật cũng như quy trình vận hành cùng đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới – Go Export.

Cụ thể, Go Export hỗ trợ doanh nghiệp với 8 nhóm giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp tháo gỡ tất cả các khâu từ bước nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thủ tục pháp lý, logistic, marketing… đến khi bán được hàng và xa hơn là tối ưu doanh số trên sàn TMĐT quốc tế.

Trong thời gian tới, Chương trình Go Export sẽ tiếp tục mở rộng việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiếp cận và xuất khẩu qua các sàn TMĐT quốc tế, đặc biệt là qua nền tảng TMĐT lớn như Amazon với lượng khách hàng khổng lồ trên toàn cầu. Đồng thời, tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, giúp đánh giá tiềm năng của thị trường xuất khẩu và nghiên cứu sơ bộ các sản phẩm, đưa ra tư vấn tổng quan cho doanh nghiệp. Sau đó, với các doanh nghiệp phù hợp tham gia chương trình, đội ngũ chuyên môn và các chuyên gia sẽ xây dựng chiến lược dài hạn và đồng hành xuyên suốt cùng doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu qua nền tảng TMĐT.

10. Kết nối người sản xuất và người tiêu dùng địa phương thông qua thương mại điện tử liên kết vùng 

Để hiện thực hoá mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá Việt Nam qua thương mại điện tử, bên cạnh các Chương trình kích cầu như Online Friday, các hạ tầng số hỗ trợ giao dịch điện tử, trong năm 2023, CID đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện vai trò dẫn dắt, kết nối của Bộ, của Cục trong cộng đồng doanh nghiệp với các chương trình thúc đẩy TMĐT qua liên kết vùng với trọng tâm hỗ trợ về hạ tầng chuyển phát và Logistics TMĐT, thúc đẩy doanh nghiệp Go Online ứng dụng TMĐT tại thị trường trong nước và Đặc biệt là hoạt động thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến.

Với mục tiêu mang lại trải nghiệm mua sắm thuận tiện cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường cho người sản xuất gắn với liên kết vùng mà Đảng và Nhà nước đang tập trung đẩy mạnh, trong năm 2023, CID đã triển khai các hoạt động thiết thực và cụ thể thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; khuyến khích việc hợp tác giữa các địa phương và vùng miền, tạo ra mạng lưới sản xuất và cung ứng hàng hóa hiệu quả, giúp tận dụng lợi thế của từng vùng và nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế; Thông qua các buổi Hội thảo và triển lãm thương mại tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhịp cầu hợp tác và trao đổi thông tin đã dần hình thành giữa các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và người sản xuất, người tiêu dùng, hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nâng cao cuộc sống của cộng đồng.

Từ ngày 3 – 10/6/2023, CID đã phối hợp với Sở Công Thương Sơn La tổ chức quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm mận, xoài Sơn La đang vào mùa thu hoạch trên sàn TMĐT và các nền tảng số. Chương trình “Tuần lễ Livestream mận Sơn La” đã có hơn 1 triệu lượt xem livestream; 5,8 triệu lượt hiển thị sản phẩm; 1,7 nghìn đơn hàng và trên 12 tấn mận Sơn La được tiêu thụ

Bên cạnh đó, CID đã làm việc với các Sở Công Thương tỉnh, thành địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hà Giang, Bình Phước, Gia Lai, Vĩnh Long, Trà Vinh, Nghệ An, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên… để xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ doanh nghiệp địa phương triển khai các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP, nông sản qua thương mại điện tử và trên nền tảng số.

Tin khác

27/08/2024 - 

Nhìn lại sự phát triển Social Commerce tại Việt Nam 

08/03/2024 - 

Truy xuất nguồn gốc: Công cụ quản lý, kiểm soát hàng hóa hữu hiệu trên thị trường 

20/07/2023 - 

Hợp đồng điện tử có tích xanh: Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp

19/11/2024 - 

Bước nhảy vọt của hàng Việt: vươn tầm thế giới, chinh phục mọi thị trường

25/06/2022 - 

Bình Định: Nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương qua các sàn thương mại điện tử

Bản quyền thuộc về Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA)